==HOTLINESHOW==  ==HOTLINESHOWOTHER==

Đảo Lý Sơn với những đặc thù của nó, đã là nơi trầm tích những tầng văn hóa của nhiều thế hệ cư dân cổ xưa. Các di tích văn hóa và lịch sử hiện vẫn còn tồn tại khá nhiều trên hòn đảo này, trong đó có một giếng nước, mang đậm dấu ấn của truyền kỳ đó là giếng Vua. Hãy cùng khám phá giếng nước ngọt này nhé!

Giới thiệu chung về giếng Vua

Lý Sơn là hòn đảo xinh đẹp thuộc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền khoảng 30km về phía đông bắc. Vào mùa hè, hầu như tất cả các giếng nước trên hòn đảo này đều cạn nước hoặc bị nhiễm mặn. Thế nhưng, có một giếng nước ở đây chưa bao giờ cạn, cũng không bị nhiễm mặn, kể cả những năm đỉnh hạn, dù giếng này chỉ nằm cách mép nước biển chừng vài ba mét. Dân Lý Sơn gọi giếng nước này là “giếng Gia Long”, cũng có người gọi đó là “giếng Vua”. Giếng có tổng diện tích mặt bằng là 72,3m2, nền giếng có dạng hình chữ nhật với chiều dài 7,3m, chiều rộng 6,3m, diện tích 46m2. Giếng có chiều sâu 6,7m, thành giếng dày 20cm, cao 0,65m, được xây bằng đá ong, trát vữa xi măng.

Giới thiệu chung về giếng Vua

Đi theo đường cảng cá đảo Lý Sơn xuôi về UBND huyện, qua Bệnh viện Lý Sơn một quãng chừng vài trăm mét, rẽ trái men theo những luống ngô xanh mướt, ra sát mép biển thì sẽ gặp giếng nước này.

Truyền thuyết về giếng Vua

Sự ra đời và tên gọi của giếng nước này gắn với nhiều huyền thoại. Tương truyền giếng nước trên là do vua Gia Long ban. Sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã đi thăm các hòn đảo dọc bờ biển miền Trung và ghé huyện đảo Lý Sơn. Lúc ấy là thời điểm dân đảo gặp cảnh khô hạn chưa từng có. Là thiên tử cai quản muôn dân, vua Gia Long lập đàn tế trời cầu mưa. Sau đêm tế trời, vua nằm mộng và được chỉ báo về địa điểm đào giếng nước ngọt. Hôm sau, vua sai người đào giếng ở chỗ đó. Quả nhiên, nước nhiều, ngọt và mát. Từ đó, người dân ở đảo nhớ ơn vua và đặt tên cho giếng là giếng Vua hay giếng Gia Long.

Một truyền thuyết khác là khi Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi, ông chạy dạt ra Lý Sơn. Đang mùa nắng hạn, lương thảo và nguồn nước ngọt bị cạn kiệt, ông cho quân sĩ đào giếng khắp đảo nhưng không có nước. Trong lúc sinh mệnh của Nguyễn Ánh và quân sĩ như “ngàn cân treo sợi tóc” thì ông nằm mơ thấy có người mách cho nơi đào giếng. Đúng như điềm báo, ông sai người đến đúng vị trí đã mách bảo. Quả nhiên, giếng mới chỉ đào sâu chừng hơn một mét là đã thấy nước ngọt.

Tuy nhiên, theo sử sách để lại, những năm Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi, ông chưa bao giờ có mặt tại mảnh đất miền Trung. Vì vậy, sẽ không có chuyện Nguyễn Ánh cùng quân sĩ của mình trôi dạt ra Lý Sơn để đào giếng nước này.

Truyền thuyết về giếng Vua

Có điều này thì đúng: Đây là giếng nước của người Chăm-cư dân cổ xưa có mặt trên đảo Lý Sơn. Dọc miền Trung, nhiều ngôi làng ven biển vẫn thường xuất hiện những “giếng Vua” như thế. Đặc điểm của các giếng nước này là nằm gần biển, được xây bằng loại đá ong hoặc gạch Chăm cổ. Người Chăm rất giỏi phong thuỷ nên việc chọn nơi đào giếng để tìm nguồn nước ngọt giữa tứ bề nước mặn là việc hiển nhiên. Cũng theo mô tip “giếng vua” này, ở làng Thanh Thủy, thuộc xã Bình Hải huyện Bình Sơn ngày nay, cũng có một giếng nước mang tên “giếng Vua”. Đây cũng là nước giếng ngọt hiếm hoi còn lại của làng mỗi mùa nắng hạn.

Giếng nước ngọt không bao giờ cạn giữa biển Lý Sơn

Trải qua nhiều thế kỷ tồn tại, giếng Xó La đã cung cấp nước uống, nước sinh hoạt phục vụ đời sống cộng đồng cư dân trên đảo. Số liệu thống kê cho biết, trên toàn đảo Lớn của huyện đảo Lý Sơn hiện có chừng trên 1.000 giếng nước, trong đó có khoảng một nửa giếng nước ăn; số còn lại chỉ dùng để tắm giặt, tưới hoa màu, chủ yếu là hành và tỏi.

Giếng nước ngọt không bao giờ cạn giữa biển Lý Sơn

Cũng có chừng mươi giếng có nước ngon trên đảo, nhưng vào thời kỳ đỉnh điểm mùa khô, chỉ duy nhất giếng Xó La là còn nước ngọt dù chỉ cách biển chừng 5m. Đối với người dân huyện đảo Lý Sơn, giếng Vua giống như một bầu sữa quý giá giữa trùng khơi. Hầu như tất cả các quán cà phê, nước giải khát, hàng ăn uống trên huyện đảo Lý Sơn, kể cả những người thích uống trà, đều sử dụng nước lấy từ giếng này. Nước giếng cổ Xó La luôn trong, xanh, ngọt, khi sử dụng nước giếng để pha trà, nấu rượu đều tạo nên một hương vị riêng, đậm đà và thơm.

Giếng Vua – địa điểm tham quan dành cho những người yêu thích những câu chuyện cổ

Giếng Vua – địa điểm tham quan dành cho những người yêu thích những câu chuyện cổ
21 2 23 44 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==