==HOTLINESHOW==  ==HOTLINESHOWOTHER==

Nếu có dịp đến đảo Lý Sơn đứng từ xa khách thăm quan sẽ trông như một chiến hạm nổi giữa biển. Tiến gần hơn một chút thì thấy “chiến hạm” ấy chứa trong lòng nó 5 “con tàu” nhỏ gồm 5 ngọn núi nhấp nhô, mỗi ngọn núi là một miệng núi lửa với vết tích hàng triệu năm trên đảo.

Vết tích núi lửa hàng triệu năm trên đảo Lý Sơn - Ảnh 1
Người dân Lý Sơn đặt cho 5 ngọn núi hình thành nên hòn đảo của mình bằng “3 hòn” và “2 núi”. Hòn thì có hòn Vung, hòn Tai, hòn Sỏi, núi thì có Thới Lới và Giếng Tiền. Tất cả đều là núi nhưng ngọn nào nhỏ thì được gọi là “hòn”, còn lớn hơn thì gọi là núi. Trên đỉnh của những ngọn núi này đều để lại dấu vết rất rõ về những đợt phun trào nham thạch từ hàng triệu năm trước.

Mỗi ngọn núi đều có một chiếc “phễu” khổng lồ trên đỉnh, tức các miệng núi lửa. Dựa vào cấu tạo địa chất của từng núi, ta có thể đoán được chúng không phun trào cùng lúc. Bằng chứng là, hòn Vung, hòn Tai hay Giếng Tiền thì đất đỏ, còn núi Thới Lới thì phần lớn là đá.
Vết tích núi lửa hàng triệu năm trên đảo Lý Sơn - Ảnh 2
Bản thân núi Thới Lới, địa chất ở đây cũng cấu tạo rất lạ, chỗ thì trùng trùng lớp lớp đá rắn đùn lên nhau, chúng nằm phủ phục bên nhau như những con cá sấu rình mồi, nơi thì “mềm mại” như bọt đường đang trào ra khỏi chảo. Điều ấy chứng tỏ, để hình thành ngọn núi này, hàng trăm đợt phun trào nham thạch diễn ra trong nhiều năm, mỗi đợt phun trào để lại một lớp địa chất khác nhau.

Trong 5 ngọn núi ấy thì Hòn Tai và Thới Lới mang dấu ấn rõ nhất về những cơn biến động của tạo hóa thuở khai thiên lập địa. Hòn Tai nằm ở phía tây, hiện còn sót lại một mỏm đá, trông xa như đầu con rùa đang chuẩn bị thụt vào cổ. Cách ngọn núi này chừng 3 cây số đường biển là đảo Bé. Có giả thiết cho rằng, sau một cơn địa chấn cực mạnh, hòn Tai bị vỡ ra. Một mảng của ngọn núi này văng về phía tây, hình thành nên đảo Bé, đảo Bé không có miệng núi lửa nào. Ở rìa phía đông của đảo Bé, hình thù của nó rất giống với hòn Tai. Nếu kéo đảo Bé “dính” lại với hòn Tai, chỗ khớp nối phần phía đông của đảo với nơi “đầu rùa” của hòn Tai sẽ vừa khít. Đó cũng chỉ là giả thiết của người trần mắt thịt, còn với các nhà khoa học, đi tìm câu trả lời vì sao đảo Bé lại không có miệng núi lửa, vì sao cấu tạo địa chất nơi phía đông của đảo lại giống với phía tây của hòn Tai, luôn là một thử thách. Còn núi Thới Lới, ngọn núi lớn nhất của đảo Lý Sơn lại hàm chứa trong lòng nó nhiều điều bí ẩn kỳ thú để nó mãi mãi trở thành điểm tựa cả về mặt địa lý lẫn tâm linh của hơn hai vạn dân trên đảo suốt nhiều thế kỷ qua.
Vết tích núi lửa hàng triệu năm trên đảo Lý Sơn - Ảnh 3
Ngược đỉnh Thới Lới độ dốc quá lớn, lại cheo leo giữa lưng chừng vách đá nên nó luôn mang lại cho khách thăm quan một cảm giác bất an. Trên đường lên miệng núi lửa, lẫn trong những lớp đá điệp trùng xù xì da cá sấu là những “đốm sáng” thưa thớt. Chúng di động trên những mỏm đá cheo leo để nhấm nháp hương vị của các loại cây chịu hạn. Đó là những chú dê núi. Loài dê gắn với ngọn núi này ngay từ thuở lọt lòng nên “thuộc” từng viên cuội, nếu không, chỉ cần một sơ sẩy nhỏ chúng sẽ phải trả giá đắt khi lăn từ độ cao hàng trăm mét xuống chân núi.
Vết tích núi lửa hàng triệu năm trên đảo Lý Sơn - Ảnh 4
Khi lên tới đỉnh núi Thới Lới, bất ngờ hiện ra một lòng chảo khổng lồ. Trong lòng chảo ấy luôn có một đàn bò bình yên gặm cỏ. Chúng kết bạn với đàn cò “ăn theo”, tạo cái cảm giác bình yên đến vô ưu. Nhìn từ miệng núi lửa này,bạn sẽ bắt gặp những cánh đồng hành, tỏi Lý Sơn đang vào vụ, trông chẳng khác nào một bức tranh với nhiều gam màu đỏ - trắng rất bắt mắt. Màu đỏ là lớp đất bazan được lấy từ các miệng núi lửa về rải lên đồng tỏi, màu trắng là lớp cát được lấy từ biển về “bón lót” trước khi đặt những tép tỏi giống xuống đất, còn màu xanh là những luống cây phân định các bờ thửa bờ vùng. Hai loại đất cát trắng - đỏ ấy, với những đặc thù của nó đã làm nên hương vị độc đáo, không trộn lẫn của tỏi Lý Sơn với các loại tỏi ở những nơi khác.
Vết tích núi lửa hàng triệu năm trên đảo Lý Sơn - Ảnh 5
Lòng chảo của núi Thới Lới lớn bằng một sân vận động cỡ vừa. “Sân vận động” này nguyên là một hồ nước được hình thành sau những đợt phun trào nham thạch. Thế nhưng, khi mực nước trong hồ đã đầy, chúng bèn xé toạc một bên, nơi có lớp địa chất yếu nhất để đổ ra biển. Hệ quả của việc này để lại cho Lý Sơn một địa danh: suối Chình. Đây là con suối duy nhất của đảo mà mỗi mét vuông đất dọc theo nó đều trầm tích một huyền thoại về lịch sử khai phá hòn đảo này của người xưa. Những hiện vật thu được sau các đợt khai quật khảo cổ học dọc theo suối Chình đã giải mã nhiều điều về lớp cư dân cổ xưa cách nay cả ngàn năm trên đảo và để lại cho hậu thế những bài học quý giá về cách chống chọi trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Các lão nông ở Lý Sơn kể rằng, trước năm 1945, miệng núi lửa trên đỉnh Thới Lới nguyên là một cánh rừng nguyên sinh với nhiều loại gỗ quý. Tuy nhiên, cánh rừng nguyên sinh ấy giờ chỉ còn trong ký ức của lớp người già. Để lấp vào chỗ trống của miệng núi lửa giờ thành đồng cỏ cho đàn bò, người ta đã “bít” lối thoát nước xuống suối Chình, tạo ra một hồ nước nhân tạo với hy vọng nó sẽ trở thành chiếc máy điều hòa nhiệt độ khổng lồ cho hòn đảo bốn mùa thiếu nước ngọt này.
Vết tích núi lửa hàng triệu năm trên đảo Lý Sơn - Ảnh 6
Nếu có dịp đi trải nghiệm Lý Sơn rồi ngược núi Thới Lới để đặt chân lên miệng núi lửa, những lúc trời quang mây tạnh, nhìn về hướng đông bắc xem thử có một chấm nhỏ nào của mảnh đất thiêng liêng được mang tên Hoàng Sa không, nhưng chỉ thấy biển xanh xa tít tắp. “Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về”. “Không thấy về” nghĩa là “ở lại”, nghĩa là thành Tổ quốc. Dù vậy, câu ca đã làm thắt ruột bao người dân đảo suốt mấy trăm năm qua. Dù không nhìn thấy Hoàng Sa từ miệng núi lửa này, song những bậc tiền nhân của đảo Lý Sơn đã “thấy” Hoàng Sa từ hơn 300 năm trước, thấy cả trong tâm tưởng lẫn trong thực tế.

Chính mảnh đất một thời là “hỏa diệm sơn” ấy đã hun đúc nên sự can trường của ngư dân Lý Sơn. Bằng những chiếc thuyền câu mỏng manh, chỉ dùng tay chèo thôi mà vượt trùng khơi để có mặt ở “dải cát vàng” ngay từ thời ông bà mình đi mở đất. Không phải ngẫu nhiên mà chúa Nguyễn, rồi các vua nhà Nguyễn, đã tin cẩn giao trách nhiệm cho dân Lý Sơn làm nhiệm vụ tiên phong trong việc chinh phục biển Đông, trong đó có Hoàng Sa.

Lý Sơn, hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc, nơi trầm tích những vỉa tầng văn hóa ngàn đời của cha ông. Lửa trên 5 ngọn núi của đảo đã tắt từ hàng triệu năm rồi nhưng ngọn lửa yêu nước thì vẫn luôn âm ỉ cháy trong lòng dân Lý Sơn, như hai tiếng Hoàng Sa chưa bao giờ lụi tắt trong tâm khảm của cả triệu triệu người dân Việt.

nguồn tin:baothanhnien.vn

Vết tích núi lửa hàng triệu năm trên đảo Lý Sơn

Vết tích núi lửa hàng triệu năm trên đảo Lý Sơn
66 7 73 139 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==