==HOTLINESHOW==  ==HOTLINESHOWOTHER==

Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi Lê Viết Chữ cho biết Lý Sơn là đảo tiền tiêu, tuyến đầu bảo vệ vùng biển, hải đảo Việt Nam nên xây dựng trở thành cứ điểm quân sự là rất cần thiết.

Lý Sơn xây dựng thành cứ điểm quân sự trọng yếu - Ảnh 1
Trao đổi với Báo Người Lao Động bên lề Đại hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (Đại hội XII), Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi Lê Viết Chữ cho biết để huyện đảo Lý Sơn trở thành cứ điểm quân sự trọng yếu thì phải thu hút đầu tư, đẩy mạnh kinh tế hành trình, tạo ra một bước phát triển kinh tế mạnh ở Lý Sơn.

“Một Lý Sơn phát triển kinh tế, ngư dân và nhân dân giàu mạnh sẽ làm cơ sở để huyện đảo Lý Sơn trở thành cứ điểm quân sự trọng yếu, tuyến phòng thủ vững mạnh. Còn về vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh của Lý Sơn đã quá rõ ràng. Lý Sơn là đảo tiền tiêu, tuyến đầu bảo vệ vùng biển, hải đảo Việt Nam” - ông Chữ nhấn mạnh.

Để ngư dân không còn canh cánh nỗi lo tàu bị tấn công, bị bắt giữ, đập phá, cướp bóc, thậm chí bị bắn phá, yên tâm bám biển, bám ngư trường truyền thống, tham gia vào việc bảo vệ chủ quyền, ông Lê Viết Chữ nói: “Ngư dân Quảng Ngãi và các tỉnh ven biển khác đi đánh bắt ở những vùng biển xa, trong đó có khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam thì điều quan trọng là để ngư dân đủ sức chống chọi lại được thiên tai địch hoạ và tấn công từ bên ngoài”.
Lý Sơn xây dựng thành cứ điểm quân sự trọng yếu - Ảnh 2
Người lãnh đạo cao nhất tỉnh Quảng Ngãi dẫn lại thực tế những năm gần đây là dù tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp và từ tháng 5-2014 đến hết tháng 12-2015 đã có 135 tàu với 1.626 lượt ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, ngăn cản, đập phá, xua đuổi, cướp tài sản nhưng ngư dân Quảng Ngãi vẫn quyết tâm bám biển, khai thác các ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa.

Ông Chữ cho rằng lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển, biên phòng, hải quân hỗ trợ ngư dân nhưng trước hết cần ngư dân phải có đủ sức mạnh, tiềm lực để tự bảo vệ mình.

Theo ông Lê Viết Chữ, ngư dân phải mua sắm được tàu vỏ thép có công suất lớn. Đồng thời phải tổ chức lại sản xuất theo hướng tập thể, ghép 10-20 tàu vào thành tổ liên kết sản xuất để tương trợ và bảo vệ nhau. Cùng với đó là tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng như nơi neo đậu, nhà máy chế biến để bán được giá trị cao, dân giàu thì mới mạnh được.

Người đứng đầu tỉnh Quảng Ngãi mong muốn được đầu tư thêm cảng biển, hệ thống giao thông trên đảo, xử lý môi trường (như trồng rừng cải tạo cảnh quan, nhà máy xử lý rác thải, nguồn nước sạch, quy tập mộ thành 2 công viên nghĩa trang trên đảo Lý Sơn…).

Đối với huyện đảo Lý Sơn, Bí thư Quảng Ngãi đề nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh xây dựng nơi đây trở thành một đô thị biển hiện đại với thế mạnh vượt trội là kinh tế trải nghiệm, thủy sản; đồng thời là một cứ điểm quân sự trọng yếu trong chiến lược bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia.

Ông Chữ đề nghị đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật quân sự hiện đại cho lực lượng hải quân, biên phòng, cảnh sát biển để ngăn ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự vùng biển, bảo vệ ngư dân sản xuất trên biển; đồng thời sẵn sàng tác chiến thắng lợi trong mọi tình huống, bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia.
 

Lý Sơn xây dựng thành cứ điểm quân sự trọng yếu

Lý Sơn xây dựng thành cứ điểm quân sự trọng yếu
81 8 89 170 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==