hành trình đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi khám phá những nhà rường cổ, có niên đại sớm nhất khoảng trên dưới 150 năm. Trong một ngôi nhà rường, hệ thống chịu lực chính của ngôi nhà là rường, cột, kèo, xuyên, trính gắn kết thành bộ khung thông qua hệ thống mộng gỗ và con sẻ (chốt tre), có thể lắp ráp và tháo dỡ dễ dàng. Nhà rường Quảng Ngãi phổ biến có hình chữ nhất (一), gồm 3 gian chính và 2 gian phụ, gọi là nhà “ba gian, hai chái”. Cũng có kiểu nhà rường nhỏ hơn “một gian, hai chái” hoặc lớn hơn, “năm gian, hai chái”, tuy không nhiều.
hành trình đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi khám phá những nhà rường cổ, có niên đại sớm nhất khoảng trên dưới 150 năm. Trong một ngôi nhà rường, hệ thống chịu lực chính của ngôi nhà là rường, cột, kèo, xuyên, trính gắn kết thành bộ khung thông qua hệ thống mộng gỗ và con sẻ (chốt tre), có thể lắp ráp và tháo dỡ dễ dàng. Nhà rường Quảng Ngãi phổ biến có hình chữ nhất (一), gồm 3 gian chính và 2 gian phụ, gọi là nhà “ba gian, hai chái”. Cũng có kiểu nhà rường nhỏ hơn “một gian, hai chái” hoặc lớn hơn, “năm gian, hai chái”, tuy không nhiều.
Thông thường số hàng cột của nhà rường dao động từ 4 đến 7. Cột hình tròn, dáng thanh thoát, đường kính phổ biến 20- 25cm, làm bằng gỗ mít, cũng có khi chen vào một số cột bằng gỗ trâm, lồng mức, ké... Giữa lòng nhà có hàng cột cái (cột chính) cao và to hơn, vừa đỡ đầu kèo thượng, vừa đỡ đuôi kèo trung.
Hai hàng cột chính đối xứng, liên kết với nhau bởi các thanh trính nằm ngang, vừa để tăng độ vững chãi cho bộ vì kèo, vừa trực tiếp gánh đỡ cho rầm thượng (một loại trần giữa lòng nhà). Rầm thượng là lớp ván dày chịu lực ghép nối qua hai trính. Rầm vừa có chức năng cách nhiệt, vừa dùng làm nhà kho để lương thực, vật dụng và là nơi con người tránh nước dâng mùa lũ.
Các cột cái được nâng cao hơn bởi các bệ đá, gọi là chân cột. Các cột quân (cột phụ) nhỏ hơn. Ở 4 góc nhà có 4 cột quyết để đỡ kèo quyết. Bốn cột vách đông tây gọi là cột đấm, có chức năng đỡ các kèo đấm thả xuôi từ cột cái.
Dãy cột vách mặt tiền ngôi nhà gồm 4 cột, được kè gỗ làm ngạch,tạo thành 3 khuôn cửa để đặt 3 gian cửa bàn khoa. Cửa bàn khoa bằng gỗ kiểu “thượng song hạ bản” có thể mở đóng và tháo rời khi cần thiết. Bệ trên của khung cửa có một chốt gỗ được tra theo chiều dọc, để chốt đóng. Ở mặt tiền nhà, mỗi gian cửa bàn khoa có từ 3 đến 4 cánh cửa.
Mái nhà rường lợp tranh (lợp lớp) hoặc lợp ngói âm dương, tường xây bằng gạch hoặc đá ong. Các gian trong nhà được phân định bằng các hàng cột. Ngăn giữa ba gian với hai chái là hai bức vách làm bằng ván có các dải ô hộc chạm trổ chữ thọ, bát bửu, hoa lá. Hai cửa vòm cuốn nằm giữa cột hàng nhất và cột hàng hai là lối vào chái.
Hai cửa khung gấp góc giữa cột hàng hai và cột hàng ba phía mặt tiền luôn luôn mở rộng, tạo điểm nhấn trên hành lang chạy dọc ngôi nhà. Mặt trước hai gian chái, vách nhà xây bằng gạch, thường có trổ hai chữ thọ cách điệu, hình tròn, thiết kế theo lối song chắn thông gió, có thể quan sát bên ngoài.
Toàn bộ ngôi nhà rường đặt trên một nền đất, gọi là nền nhà. Nền nhà thường được tôn cao hơn mặt đất khu vườn từ 0,4m đến 1,2m (1 đến 3 thước mộc). Một số nơi ở vùng thấp, nền nhà có thể cao hơn, nhưng thường không quá 1,6m. Nền nhà lát gạch thẻ, sang hơn thì lát gạch vuông bát tràng. Cũng có nhiều nhà chỉ nện đất, ghè thêm tro bếp và trấu cho khỏi nứt nẻ. Chung quanh nền người ta ốp gạch vồ hoặc đá ong chống xói lở.
Ngôi nhà rường một gian, hai chái ở Quảng Ngãi ít khi có chiều dài quá 8 mét, nhà “ba gian, hai chai” dài nhất cũng chỉ đến 15m. Ngôi nhà rường là thành phần chính trong hệ thống gồm: nhà trên (nhà rường), nhà ngang, nhà bếp, giếng nước, nhà kho, cây rơm, chuồng trại... Cụm công trình này toạ lạc ở vị trí hợp lý của vườn nhà.
Từ ngõ đi vào sân, có lối đi, hai bên thường được trồng hai hàng chè tàu hoặc dâm bụt, cắt tỉa khéo léo. Trước nhà có bình phong, theo thuật phong thuỷ, để ngăn ngọn gió thổi trực diện vào cửa chính, đồng thời cũng ngăn người đi đường nhòm ngó vào trong nhà. Trước nhà có vuông sân, lát gạch thẻ hoặc nện đất. Trong vuông sân người ta xây bể nước, làm hòn non bộ, trồng một số cây kiểng như mai, sứ, sanh, sung, ngọc anh, hoàng lan...
Nhà rường hòa mình vào tổng thể thiên nhiên với cây xanh, hoa trái, hồ nước... kết thành một tổng thể không gian kiến trúc, tạo cảm giác ấm êm, thân thuộc.
Trong ngôi nhà rường, gian giữa là nơi để thờ cúng gia tiên, đặt bộ ván (phản) để tiếp khách, đồng thời cũng là nơi ngủ của người đàn ông chủ gia đình. Hai chái hai bên là hai buồng gọi là đông phòng và tây phòng. Đây là buồng ngủ của phụ nữ và con cái. Những đồ gỗ như sập gụ, tủ chè, trường kỷ cùng với hoành phi, câu đối thiết trí trong nội thất hợp lý, khiến tự thân mỗi thành tố vừa có giá trị độc lập, vừa như bổ sung, tôn thêm vẻ đẹp lẫn nhau.
Có thể nói, ngôi nhà rường không chỉ là thành tựu của sự chọn lọc những giải pháp tối ưu trong xử lý kỹ thuật mà còn là một tác phẩm nghệ thuật kiến trúc đã được đúc kết và hoàn thiện qua nhiều thế hệ, vừa tiếp nối truyền thống nhà gỗ vùng đồng bằng Bắc Bộ- Thanh Nghệ Tĩnh, vừa tiếp thu có sáng tạo kiến thức, kinh nghiệm xây dựng nhà cửa của cư dân tiền trú.
Ngôi nhà rường vừa là phương tiện cư trú của con người vừa là không gian văn hóa, mang nhiều tín hiệu ẩn dụ, đậm dấu ấn lịch sử -văn hóa và đời sống của cư dân bản địa.
Đến nay, trên địa xứ Quảng Ngãi vẫn còn lại khá nhiều ngôi nhà rường, cùng với những vật dụng bằng gỗ độc đáo trong gia đình như bàn xoay, trường kỷ, ghế nghi, tủ thờ, liễn, đối... Đây là những di sản văn hóa truyền thống quý báu cần được gìn giữ, lưu truyền cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Nguồn tin: baoquangngai.vn