==HOTLINESHOW==  ==HOTLINESHOWOTHER==

Xã Bình Hòa được thành lập sau Cách mạng Tháng Tám - 1945. Thời chính quyền Sài Gòn kiểm soát, Bình Hòa đổi tên thành Bình Kỳ, có 4 ấp: Tri Hòa (nay là thôn 1), Nam Yên (trước là 2 thôn Nam Yên và Lạc Sơn, nay là thôn 2), Lộc Tự (thôn 3), Long Bình (thôn 4).

Lộc Tự là nơi diễn ra những trận kịch chiến giữa quân giải phóng và quân Mỹ trong trận Vạn Tường (Battle of Chu Lai) ngày 18/8/1965, nay còn lưu di tích ở Đồi đất đỏ Ngọc Hương, Ngã ba xóm Chuối, Chiến hào thép. Làng Nam Yên (thuộc tổng Bình Điền) từ năm 1937 đã xây dựng được một bản hương ước với nhiều điều khoản tiến bộ.

Xã Bình Hòa được thành lập sau Cách mạng Tháng Tám - 1945. Thời chính quyền Sài Gòn kiểm soát, Bình Hòa đổi tên thành Bình Kỳ, có 4 ấp: Tri Hòa (nay là thôn 1), Nam Yên (trước là 2 thôn Nam Yên và Lạc Sơn, nay là thôn 2), Lộc Tự (thôn 3), Long Bình (thôn 4).

Lộc Tự là nơi diễn ra những trận kịch chiến giữa quân giải phóng và quân Mỹ trong trận Vạn Tường (Battle of Chu Lai) ngày 18/8/1965, nay còn lưu di tích ở Đồi đất đỏ Ngọc Hương, Ngã ba xóm Chuối, Chiến hào thép. Làng Nam Yên (thuộc tổng Bình Điền) từ năm 1937 đã xây dựng được một bản hương ước với nhiều điều khoản tiến bộ.

Di tích vụ thảm sát Bình Hòa- Quảng Ngãi - Ảnh 1

Cuối năm 1964, đầu năm 1965, người Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam, thiết lập căn cứ quân sự tại Chu Lai, Từ tháng 3 đến tháng 10 năm 1965, hơn 10 vạn quân Mỹ và Nam Triều Tiên gồm đủ các binh chủng hải, lục, không quân cùng nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại lần lượt có mặt tại chiến trường khu 5, tập trung ở Chu Lai và vùng phụ cận nam Quảng Nam, bắc Quảng Ngãi.

Di tích vụ thảm sát Bình Hòa- Quảng Ngãi - Ảnh 2
Tháng 8/1965 diễn ra trận Vạn Tường lịch sử, Trung đoàn Ba Gia (quân Giải phóng khu 5) và các lực lượng vũ trang địa phương của tỉnh Quảng Ngãi đánh bại cuộc hành quân tìm diệt (search and destroy) mang tên Starlite (trùng âm với cụm từ tiếng Anh starlight, nên bị dịch nhầm là Ánh sáng sao trong các tài liệu tiếng Việt) do một lực lượng hỗn hợp quân Mỹ tiến hành trên địa bàn phía đông huyện Bình Sơn.

Từ các trận đánh thắng lợi ở Núi Thành (Quảng Nam), Vạn Tường (Quảng Ngãi), một làn sóng tiến công vào các lực lượng Mỹ và Nam Triều Tiên diễn ra khắp các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, đặc biệt là ở vùng vành đai quanh căn cứ quân sự Chu Lai. Cuộc đối đầu giữa các lực lượng vũ trang cách mạng và quân Mỹ trở nên ác liệt, nóng bỏng trên chiến trường đông nam Quảng Nam -  đông bắc Quảng Ngãi, nam Quảng Ngãi – bắc Bình Định.

Về quân đội Nam Triều Tiên, trước năm 1965, chính phủ Đại Hàn dân quốc đã gửi một số đơn vị quân y và võ sư sang tham gia các hoạt động “giao lưu” với quân đội Sài Gòn nhằm dọn đường cho việc đưa quân vào chiến trường Việt Nam.

Từ năm 1965 trở đi, lần lượt các đơn vị chiến đấu của Đại Hàn cập bến quân cảng Đà Nẵng và chính thức tham chiến. Đó là sư đoàn bộ binh Capital (Mãnh Hổ) đóng quân ở Quy Nhơn, tiếp theo là sư đoàn bộ binh Bạch Mã đóng ở Phú Yên, lữ đoàn 2 thuỷ quân lục chiến Thanh Long (Rồng Xanh) đóng quân tại Quảng Ngãi, Hội An.

Di tích vụ thảm sát Bình Hòa- Quảng Ngãi - Ảnh 3
Trong giai đoạn đầu tham chiến, quân Nam Triều Tiên tỏ ra rất lì lợm, hung hãn, gây ra nhiều vụ tàn sát rất dã man dân thường ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Liên tiếp từ tháng 2/1966 đến tháng 2/1968, quân Nam Triều Tiên đã gây ra hàng loạt vụ thảm sát kinh hoàng ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.

Điển hình là vụ Bình An (nay là xã Tây Vinh, Tây Sơn, Đình Định) tháng 2 năm 1966 (hơn 1.000 nạn nhân bị giết chết); vụ Diên Niên – Phước Bình (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) ngày 9 và ngày 13 /10/1966 (180 nạn nhân); vụ Bình Hòa (Bình Sơn, Quảng Ngãi, các ngày 3, 5 và 6/12/1966 (430 nạn nhân); vụ Thủy Bồ (Điện Bàn Quảng Nam) ngày 21/1/1967 (145 nạn nhân); vụ Cây Đa Dù (Điện Bàn, Quảng Nam) 12/2/1968 (74 nạn nhân), vụ Hà My (Điện Bàn, Quảng Nam) ngày 25/2/1968 (135 nạn nhân)...

Số liệu thống kê quân sự cho thấy, không nơi nào ở miền Nam Việt Nam quân lính Nam Triều Tiên triển khai các cuộc hành quân “tìm diệt” và gây ra nhiều vụ sát hại dân lành như ở Quảng Ngãi. Hàng chục cuộc hành quân càn quét do quân lính Nam Triều Tiên tiến hành hoặc có lực lượng tham gia đã diễn ra trong một thời gian ngắn từ cuối năm 1966 đến giữa năm 1967: “Sóng mùa đông” đánh vào đông Bình Sơn, đông Sơn Tịnh, “Liên kết 82” nhằm vào nam Đức Phổ, “Đa Kao 8” càn quét nam Mộ Đức, Ba Tơ; “Liên kết 110 – Hoad-Roan” nhằm vào vùng căn cứ tây Sơn Tịnh, tây Tư Nghĩa... Chỉ riêng tại Sơn Tịnh, từ tháng 8 đến tháng 12/1966 đã có 600 thường dân ở các xã Tịnh Bình, Tịnh Sơn, Tịnh Thọ, Tịnh Hà, Tịnh Kỳ, Tịnh Thiện bị lính Nam Triều Tiên giết chết.

Có một điểm chung khi nhìn lại các cuộc tàn sát do quân đội Nam Triều Tiên gây ra tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, đó là: Sự kiện diễn ra sau thất bại của các cuộc hành quân tìm diệt, lính Nam Triều Tiên bị quân Giải Phóng tấn công gây thiệt hại nặng hoặc chúng hoàn toàn mất phương hướng và hoang mang nhận diện đối phương thoắt ẩn, thoắt hiện trong một trận địa không thể xác định. Tập trung hỏa lực bắn phá xóm làng, đốt cháy nhà cửa, giết người vô tội bằng các hình thức dã man được những kẻ thủ ác xem như hành động trả thù, răn đe, khủng bố người dân, đẩy người dân ra khỏi xóm làng.

Vụ thảm sát ở Bình Hòa cũng không là ngoại lệ. Từ đầu năm 1965, đặc biệt là sau trận Vạn Tường (tháng 8/1965), vùng đông Bình Sơn là nơi có phong trào chiến tranh du kích phát triển mạnh mẽ, người dân kiên cường bám trụ, tăng gia sản xuất, cung cấp sức người sức của cho kháng chiến. Bình Hòa, Bình Hải, Bình Trị, Bình Đông trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của quân Mỹ, nơi thí điểm chiến lược “tìm diệt”, tạo vành đai trắng bảo vệ căn cứ Chu Lai, đồng thời làm tê liệt hành lang liên lạc đông – tây của các lực lượng cách mạng.

Tháng 5/1966, Bộ chỉ huy lữ đoàn Rồng Xanh cho đặt bãi pháo ở Gò Đông, thôn Lạc Sơn, xã Bình Hòa. Rất nhanh chóng cụm pháo ở đây trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân vùng đông Sơn Tịnh, đông Bình Sơn bởi những vụ nã pháo bất thình lình, vô tội vạ, không cần phân biệt đối phương hay dân chúng, căn cứ của lực lượng kháng chiến hay nhà cửa, xóm làng.

Tháng 10 cùng năm, một tiểu đoàn lính Nam Triều Tiên được đưa đến vùng đồi Châu Rê – Núi Dâu – Đồng Tranh thuộc xã Bình Hòa.

Vụ thảm sát bắt đầu lúc 4 giờ sáng ngày 3/12/1966, khi tiểu đoàn lính Nam Triều Tiên từ đồi Châu Rê – Núi Dâu càn vào xóm Tri Hòa, bắn vào nhà cửa, trâu bò. Khi phát hiện có người ẩn nấp tránh đạn trong buồng đất ngôi nhà một người nông dân tên là Trắp, dù biết rõ là dân thường, lính Nam triều Tiên vẫn nả súng, ném lựu đạn và dùng lưỡi lê gắn trên mũi súng đâm chết 15 người, gồm 11 người hàng xóm và cả 4 người trong gia đình ông Trắp.

Tiếp tục càn quét và tàn sát, ngày 5/12/1966, lính Nam Triều Tiên chia thành nhiều tốp lùng sục đến từng nhà, bắt 36 người dân, hầu hết là người già, phụ nữ và trẻ em (do không có khả năng trốn chạy hoặc nghĩ mình là thường dân không thể bị sát hại) ở xóm Tri Hòa và xóm Long Bình cưỡng bức tập trung bên miệng hố bom Truông Đình (hố bom do máy bay Mỹ ném xuống Truông Đình trong trận Vạn Tường) dùng tiểu liên bắn chết không sót một người. Các nạn nhân gục ngã xuống hố bom và bị phơi xác liền trong 3 ngày đêm.

Chưa dừng lại ở đó, ngày 6/12/1966  lính Nam Triều Tiên từ đồi Châu Rê chia làm 3 toán hành quân càn quét trong khắp xã Bình Hòa. Một toán xuống An Khương – Lộc Tự, lùng sục vào các nhà và hầm chống pháo bắn giết tại chỗ 7 người ở Lộc Miếu. Một toán khác bao vây xóm Đồng Trung, bắt tất cả người già, phụ nữ, trẻ em dẫn xuống xóm Cầu. Toán thứ ba xông thẳng vào xóm Lạc Sơn bắt người dẫn ra xóm An Phước.

Đến khoảng 10 giờ sáng, lính Nam triều Tiên tập trung người dân bị bắt tại 3 địa điểm gần nhau là Dốc Rừng, đồng Chồi Giữa, đám ruộng Giếng thuộc xóm An Phước – xóm Cầu. Đến khoảng 16 giờ cùng ngày, bọn lính vây quanh, chỉa mũi súng vào đám đông dân lành không có một tấc sắt trong tay và đang hoảng sợ cực độ, rồi đồng loạt nả đạn.

Lời kể của một nạn nhân sống sót (do xác chết đè khuất và nằm im nên không bị phát hiện) cho thấy cảnh tượng kinh hoàng và sự dã man đến khủng khiếp của đám lính cuồng máu: “Sau một tiếng hô, chúng bắn xối xả vào bà con chúng tôi, tiếng kêu thất thanh đau đớn vì trúng đạn... Bắn xong một đợt chúng nghỉ, sau đó lại bắn tiếp cho đến khi chết hết”. Trong một ngày, 267 người dân Bình Hòa, trong đó có 59 người tại Dốc Rừng, 66 người tại đồng Chồi Giữa và 131 người tại đám ruộng Giếng xóm Cầu đã bị tàn sát.

Như vậy, trong 3 ngày 3, 5 và 6/12/1966, lữ đoàn Rồng Xanh (Thanh Long) của quân đội Nam Triều Tiên tham chiến ở Việt Nam đã sát hại 430 người dân vô tội ở xã Bình Hòa, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, trong đó có 269 phụ nữ (có 12 phụ nữ bị cưỡng hiếp đến chết), 104 người già, 174 trẻ em, 3 gia đình bị giết sạch không còn một ai.

Vụ thảm sát diễn ra trong các ngày 3, 5 và 6/12, tương ứng là các ngày 22, 24, 25/10 năm Bính Ngọ (âm lịch). Vì vậy, theo phong tục địa phương (tổ chức lễ giỗ người mất vào ngày trước của ngày tử vong), vào các ngày 21, 23, và 24 tháng 10 âm lịch hằng năm, gia đình, bà con và người dân trong vùng tảo mộ, thắp hương tưởng nhớ những người vô tội đã bị giết hại oan khuất.

Trích theo trang: Baoquangngai.vn
 

Di tích vụ thảm sát Bình Hòa- Quảng Ngãi

Di tích vụ thảm sát Bình Hòa- Quảng Ngãi
13 1 14 27 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==