Theo những người dân chuyên kinh doanh loại tỏi cô đơn ở huyện đảo Lý Sơn cho hay, năm ngoái mỗi ký tỏi này giá dao động từ 800.000 đến 1 triệu đồng thì đến nay giá đã tăng vọt 1,4 triệu đồng. "Chưa bao giờ loại nông sản này lại có giá đắt đỏ như hiện nay. Cứ bán hơn 2,5 ký tỏi cô đơn cho khách thăm quan có thể đổi lấy được 1 chỉ vàng SJC. Nhà nào còn tích trữ tỏi một tép đến giờ này thì xem như trúng đậm", người dân nơi đây cho biết.
Theo người dân địa phương, tỏi một tép không có giống riêng biệt mà tự nhiên hình thành trong quá trình sinh trưởng của những cây tỏi thông thường. Thay vì có rất nhiều tép, mỗi củ chỉ có duy nhất một tép. Đất càng cằn cỗi, mất mùa, loại tỏi đặc biệt này lại càng có nhiều.
Từ thuở khai khẩn, lập nghiệp trên đảo, người dân nơi đây ví tỏi cô đơn như dược liệu quý bảo vệ sức khỏe trong điều kiện giữa biển cả cách xa với đất liền, nhất là tiết trời mùa đông biển động gây cô lập dài ngày, trung bình mỗi sào (500m2) cho thu hoạch khoảng 600kg tỏi thì chỉ có khoảng 2 kg, nhiều nhất cũng chỉ 5kg tỏi một tép. Sau khi đưa về nhà, người dân cắt tỉa cành lá, phơi tỏi mồ côi ở mái tôn trên nóc nhà.
Tỏi khô giòn, họ gom cho vào thùng kín có lót lá sơn (loại lá cây chống ẩm, mối mọt) để bảo quản, dự trữ loại nông sản này quanh năm mà không bị hư hỏng, tổn thất.
Tỏi cô đơn vốn đã ít ỏi, vụ mùa đầu năm loại nông sản này mất mùa nên càng trở nên khan hiếm. Trong khi đó Lữ khách đến tham quan Lý Sơn tăng đột biến, nhu cầu mua tỏi cô đơn làm quà cho người thân ngày càng lớn khiến giá cả loại tỏi đặc biệt này trở nên tăng cao.
Lãnh đạo huyện đảo Lý Sơn cho rằng, do chưa thể tìm ra phương thức trồng đại trà trên đồng ruộng ở đảo nên loại tỏi cô đơn này ngày càng trở nên khan hiếm, đắt đỏ.
Trước tình hình này, cơ quan chức năng huyện đảo Lý Sơn thường xuyên lập đoàn kiểm tra các cơ sở kinh doanh mặt hàng này nhằm tránh tình trạng mang sản phẩm tỏi của địa phương khác về đây trà trộn để bán cho khách thăm quan gây ảnh hưởng thương hiệu tỏi cô đơn.