==HOTLINESHOW==  ==HOTLINESHOWOTHER==

Gần 42 năm sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng và 47 năm sau ngày liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm hy sinh, người dân ở miền đất đảo Phổ Cường (Đức Phổ) vẫn kể cho nhau nghe những câu chuyện về người nữ anh hùng.

Miệng Núi Lửa - Đảo Lý Sơn Miệng Núi Lửa - Đảo Lý Sơn

Đất lửa ân tình miền biển đảo - Ảnh 1
Sau 12 năm kể từ khi công bố cuốn nhật ký với những trang viết thấm đẫm yêu thương, vùng quê này có những công trình mang tên người bác sĩ kiên cường, hết lòng vì người bệnh. Chị vẫn “đi về” với đất và người Phổ Cường trong những ngày tháng yên bình, xóm làng đã hồi sinh sau khói lửa chiến tranh.

Nguồn tin: Baoquangngai.vn

Kỷ vật của người chị kết nghĩa

Căn nhà nhỏ mái ngói đã rêu phong của bà Tạ Thị Ninh (em kết nghĩa của bác sĩ Đặng Thùy Trâm) nằm trong khu vườn rợp hoa trái giữa làng quê yên ả. Non nửa thế kỷ trôi qua, nhưng bà Ninh vẫn nhớ như in hình ảnh của người bác sĩ Hà thành. Bà Ninh chậm rãi kể: Lúc sinh thời, bác sĩ Đặng Thùy Trâm rất gan dạ và luôn sống nghĩa tình với mọi người. Cảm phục đức tính kiên cường và sự tận tụy vì người bệnh của chị Trâm, nên bà Ninh đã xin theo học lớp y tá phục vụ chiến đấu.
Kỷ vật của người chị kết nghĩa
Trong một lần đi cõng gạo từ Phổ Cường về bệnh xá Đức Phổ, bà Ninh cùng đồng đội bị địch phát hiện nã pháo dồn dập. Mọi người gắng sức chạy để tránh đạn bom của kẻ thù. Chiếc võng và những vật dụng bà mang theo bên mình bị rơi dọc đường. Vì thế, trong những đêm lạnh giữa núi rừng, bác sĩ Trâm bảo bà Ninh nằm chung võng, chuyện trò suốt canh thâu. Những đêm như thế, chị Trâm đã “truyền” nhiệt huyết tuổi trẻ và lòng thương yêu bệnh nhân sang người em kết nghĩa.

Cảm mến người em gái nhỏ, chị Trâm đã tặng cho bà Ninh chiếc võng, tấm dù hoa dùng làm chăn và tấm vải mắc bên trên võng dùng làm màn ngăn muỗi. Kết thúc khóa học, bà được người chị kết nghĩa tặng dụng cụ y tế: Panh, kéo, ống bơm tiêm... dùng để cứu chữa cho cán bộ và nhân dân. Những ngày đông giá lạnh, chị Trâm còn tặng cho bà chiếc ba lô và áo khoác được mang vào từ đất Bắc.

Sau khi chị Trâm hy sinh, bà Ninh luôn trân quý và xem đấy là những báu vật. Mẹ bà Ninh là cụ Nguyễn Thị Hải nâng niu những kỷ vật chị Trâm tặng cho con mình. Cụ giặt sạch, phơi khô áo ấm và ba lô rồi cất kỹ trong nhà. Chiếc võng, dù hoa, tấm màn mắc bên trên võng và những vật dụng y tế luôn được bà Ninh mang theo bên mình. Sau khi nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm được công bố, bà tặng những kỷ vật ấy cho Bảo tàng Phụ nữ và Bệnh xá Đặng Thùy Trâm ở xã Phổ Cường. “Giữ những kỷ vật ấy như chị luôn ở bên mình. Vậy nên, tôi không nỡ trao lại cho người khác. Nhưng nhiều người nói rằng, đưa vào trưng bày để cho khách tham quan hiểu hơn về lẽ sống và tấm lòng của chị Trâm, khi đó tôi mới đồng ý”, bà Ninh thổ lộ.  

Luôn nhớ người bác sĩ Anh hùng

Luôn nhớ người bác sĩ Anh hùng
Ngày giỗ liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm (ngày 22.6), các y, bác sĩ ở Bệnh xá Đặng Thùy Trâm luôn tổ chức giỗ người nữ anh hùng. Mâm cỗ không thể thiếu gà luộc và cua rang, món ăn chị rất thích lúc sinh thời. “Cứ đến ngày giỗ của chị là tụi em cùng với chị em y tế thôn lại chung tay lo mua sắm thực phẩm và sửa soạn mâm cỗ. Đây là dịp để nghe cô Ninh cùng với các chị lớn tuổi kể lại những mẩu chuyện về chị Trâm. Dịp tất niên, tụi em cũng chung tay lo mâm cỗ dâng lên cúng chị. Vào những ngày ấy, mẹ của chị Trâm ở Hà Nội luôn điện thoại hỏi thăm sức khỏe, kể nhiều chuyện về chị và động viên tụi em cố gắng công tác” – nữ hộ sinh Nguyễn Lai nói.

Nhiều người chưa được gặp mặt chị, chỉ biết chị qua chuyện kể và đọc trong nhật ký nhưng họ vẫn mua bánh, nước ngọt mang đến viếng. Và đã thành lệ, “vào ngày rằm và mùng một âm lịch, gia đình tôi cùng với nhiều người dân trong xã thắp hương tưởng nhớ chị...”, bà Ninh rớm rớm lệ.   

Tiếp nối ngọn lửa Đặng Thùy Trâm

Sau khi cuốn nhật ký được công bố, nhiều đơn vị và nhà hảo tâm đã chung tay xây dựng bệnh xá mang tên người nữ anh hùng, với khoản kinh phí hơn 6 tỷ đồng. Hiện bệnh xá có 10 giường bệnh với 13 cán bộ và nhân viên, khám và điều trị bệnh cho người dân xã Phổ Cường và những khu vực lân cận. Hằng năm, bệnh xá khám và cấp thuốc cho trên dưới 14 nghìn lượt người. Nhiều bệnh nhân điều trị nội trú trong thời gian khá dài trở thành người thân của các y, bác sĩ nơi đây.

Bác sĩ Thạch Cảnh Đoàn – Trưởng bệnh xá kể: Vào năm 2007, có một sản phụ quê ở Nghệ An đang trên đường về quê. Khi đến địa phận xã Phổ Cường thì chuyển dạ, những người đi cùng xe chuyển vào bệnh xá sinh nở. Hoàn cảnh sản phụ rất khó khăn, nên cán bộ và nhân viên phải góp tiền mua thức ăn bồi dưỡng cho chị. Khi xuất viện, chị bồng con nắm tay từng người ở bệnh xá, nghẹn ngào không nói nên lời. Nhiều bệnh nhân nằm điều trị tại bệnh xá đến khi xuất viện họ thường đến thăm hỏi các y, bác sĩ và xem như người thân trong gia đình. Tiếp bước chị Trâm, cán bộ và nhân viên bệnh xá luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau trong công việc và cuộc sống hàng ngày. Dù hết giờ làm việc, nhưng họ vẫn vội vã đến bệnh xá khi nhận được tin báo qua điện thoại “có ca bệnh nặng”...

Đất lửa ân tình miền biển đảo

Đất lửa ân tình miền biển đảo
60 6 66 126 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==