==HOTLINESHOW==  ==HOTLINESHOWOTHER==

Di tích núi Bút nằm trên đỉnh núi Bút (núi Thiên Bút) có độ cao 60m so với mực nước biển, thuộc phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi). Núi Thiên Bút là đỉnh núi thiêng, tượng trưng cho văn mạch vùng đất “núi Ấn- sông Trà”.

Di tích núi Bút nằm trên đỉnh núi Bút (núi Thiên Bút) có độ cao 60m so với mực nước biển, thuộc phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi). Núi Thiên Bút là đỉnh núi thiêng, tượng trưng cho văn mạch vùng đất “núi Ấn- sông Trà”.

Tháp Chăm Núi Bút Quảng Ngãi - Ảnh 1
Trong công trình đồ sộ khi khảo tả di tích Chánh Lộ ở Nghĩa Điền, Tư Nghĩa học giả người Pháp H.Parmentier có nhắc tới việc nhìn thấy trên đỉnh Núi Bút có gạch Chăm.

Hơn một thế kỷ qua, kể từ ghi chú trên của học giả người Pháp, di tích Chăm trên đỉnh Núi Bút chỉ còn lờ mờ trong ký ức của số ít bậc cao niên trong vùng. Một vài nhà nghiên cứu địa phương cũng đã tới đây khảo sát, song cho tới thời điểm trước cuộc khai quật, chưa có một tư liệu nào miêu tả di tích tháp Núi Bút được công bố chính thức, ngoài những ghi chép không thật sự cụ thể trong những bài viết có liên quan.

Sau khi khai quật, thì hầu như phần tường tháp Núi Bút đã bị mất hoàn toàn. Thi thoảng vài đoạn còn sót lại 1 hàng gạch gắn trên phần móng. Móng tháp (không còn nguyên vẹn), được xây dựng bằng hai hàng đá ong xếp so le không có vữa liên kết, dày trung bình 40 – 50cm. Tuy một số vị trí của móng tháp đã bị phá mất, nhưng về cơ bản vẫn có thể phục hồi hoàn chỉnh bình đồ tháp Núi Bút. Dựa vào những nghiên cứu về kiến trúc Chăm, có thể nhận thấy tháp Núi Bút là dạng tháp thân vuông, có 3 tầng trên, với chiều cao khoảng 25m.
Tháp Chăm Núi Bút Quảng Ngãi - Ảnh 2
Để kiểm tra địa tầng (trắc diện) tháp Núi Bút, nhóm khai quật đã đào hố thăm dò. Và địa tầng hố thăm dò cho thấy kỹ thuật xây dựng móng tháp Núi Bút tương đồng với kỹ thuật xây dựng móng của những ngôi tháp Chăm khác ở miền Trung Việt Nam.

Cho đến nay, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi đã làm phiếu hiện vật cho 109 hiện vật di tích tháp Núi Bút, bao gồm các loại chất liệu: Đất nung, gốm sứ có men, đá. Ngoài ra còn gần 2.000 mảnh vỡ hiện vật gồm gạch vỡ và mảnh gốm, sành, sứ. Đặc biệt, những hiện vật điêu khắc trang trí đá và đất nung phát hiện được tại tháp Núi Bút là những hiện vật đẹp và hiếm gặp.

Về niên đại, bình đồ của tháp Núi Bút với phần cửa chính phía đông kéo dài thành một gian tiền sảnh, ba cửa giả ba phía còn lại không rộng và ngắn cho thấy chúng gần giống với tháp chính của tháp Bà Nha Trang (Khánh Hòa), tháp chính của tháp Bánh Ít (Bình Định) và tháp chính nhóm G ở Mỹ Sơn (Mỹ Sơn G1). Các ngôi tháp trên đều có niên đại nửa cuối thế kỷ XI (Tháp Bà, Bánh Ít) và đầu thế kỷ XII (Mỹ Sơn G.1).
 
Các mảnh đá trang trí góc tháp Núi Bút vừa gần giống phong cách chuyển tiếp từ phong cách Mỹ Sơn A1 (thế kỷ X) sang phong cách Bình Định (thế kỷ XII– XIV), vừa gần giống phong cách Bình Định. Vì thế, có thể đoán định niên đại của tháp Núi Bút ở cuối phong cách Chuyển tiếp, đầu phong cách Bình Định. Các tượng Kinnari của tháp Núi Bút thể hiện rất rõ sự chuyển tiếp từ các Kinnari Chiêu Đàn (phong cách Chuyển tiếp thế kỷ XI) sang Kinnari tháp Mẫm (thế kỷ XII).

Qua so sánh sơ bộ bình đồ cũng như hiện vật với những ngôi tháp đã được xác định phong cách và niên đại, có thể đoán định tháp Núi Bút thuộc giai đoạn cuối phong cách Chuyển tiếp, nghĩa là khoảng cuối thế kỷ XI.

Cuộc khai quật tháp Núi Bút mang lại nhiều kết quả đáng mừng, nhiều gợi ý khoa học lý thú. Vì thế, những người khai quật tháp Núi Bút đã đưa ra 3 kiến nghị quan trọng đối với các nhà quản lý, đó là: Xây dựng hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận bộ Linga - Yoni tháp Núi Bút là bảo vật Quốc gia, bảo tồn để sớm phục hồi nguyên trạng một cách khoa học bình đồ móng tháp Chăm Núi Bút và xây dựng hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT&DL công nhận tháp Núi Bút là di tích khảo cổ, nghệ thuật kiến trúc cấp Quốc gia.

Nguồn tin: baoquangngai.vn

Tháp Chăm Núi Bút Quảng Ngãi

Tháp Chăm Núi Bút Quảng Ngãi
58 6 64 122 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==