Đảo Lý Sơn- Quảng Ngãi nơi có sông, suối, núi rừng và biển cả bao la, với 130km bờ biển dường như gắn liền với con người nơi đây. Cuộc sống bên chân sóng đã tạo cho con người sự bản lĩnh, sáng tạo, những giá trị di sản văn hóa đa dạng và độc đáo mà không phải nơi nào cũng có được…
Quảng Ngãi có di tích văn hóa Sa Huỳnh. Đó là Gò Ma Vương ở thôn Long Thạnh, xã Phổ Thạnh và Phú Khương, xã Phổ Khánh (Đức Phổ). Tại đây, các nhà khảo cổ học đã lần lượt giải mã những bí ẩn liên quan đến người Sa Huỳnh cổ, nhưng nếu bạn được chứng kiến và nghe thuyết minh về những hiện vật lấy lên từ lòng đất, bạn sẽ vô cùng tự hào về đất và người Quảng Ngãi...
Từ sau năm 1975, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã khai quật hàng loạt các di chỉ văn hóa Sa Huỳnh tại miền Trung. Đặc biệt, tại Long Thạnh các nhà khảo cổ học đã phát hiện di chỉ cư trú ở Sa Huỳnh với tầng văn hóa dày trên 2m, qua nghiên cứu với nhiều bằng chứng đã xác định văn hóa Sa Huỳnh thuộc giai đoạn sơ kỳ sắt có nguồn gốc hình thành từ giai đoạn sơ kỳ đồng thau tiền Sa Huỳnh trước đó có niên đại cách ngày nay trên dưới 3.000 năm. Qua đó khẳng định văn hóa Sa Huỳnh là văn hóa bản địa có nguồn gốc phát sinh phát triển ngay trên dải đất miền Trung.
Cho tới nay có 26 địa điểm các di tích thời đại kim khí, bao gồm cả tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh được phát hiện ở Quảng Ngãi, với khoảng 10.000 hiện vật được ngành văn hóa lưu giữ, với nhiều loại hình chất liệu khác nhau, được chế tác công phu, tinh xảo như đồ trang sức, dụng cụ sinh hoạt...
Những cư dân Sa Huỳnh từ xưa đã biết sử dụng công cụ, tri thức để khai thác nguồn lợi từ biển và tạo nhiều vật dụng độc đáo, giàu tính thẩm mỹ, đặc biệt là trên đồ gốm. Cuộc sống của người Sa Huỳnh gắn liền với biển, đó không chỉ là nơi mưu sinh, mà còn là điểm tựa tinh thần từ bao đời nay và không thể mất đi, dù phải trải qua nhiều biến cố lịch sử.
Sa Huỳnh nơi được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh đẹp và là "kho báu văn hóa" được các chuyên gia văn hóa trong và ngoài nước ghi nhận. Đây là một không gian sinh tồn rộng lớn của người Sa Huỳnh cổ được khám phá, đó là hệ thống các gò đồi, cồn cát ven sông, biển, đầm An Khê, các khu rừng xung quanh đầm, cánh đồng muối và cửa biển...
Theo giới nghiên cứu văn hóa cho rằng, đầm An Khê là trung tâm của không gian văn hóa Sa Huỳnh, với hơn 56.000ha mặt nước và đất tự nhiên, dù nằm cạnh biển, nhưng có nước ngọt quanh năm. Nơi đây, cư dân Sa Huỳnh cổ lấy nước ngọt để sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, hình thành nghề khai thác, đánh bắt hải sản và giao thương với bên ngoài. Vì thế mà văn hóa Sa Huỳnh có điều kiện phát triển và lan tỏa theo chiều dài của dải đất miền Trung.
Theo các nhà khảo cổ đã phát hiện văn hóa Sa Huỳnh từ năm 1909 và vẫn còn nguyên vẹn, nhưng đến nay giá trị môi trường, văn hóa, lịch sử, là một điều khá đặc biệt: "Giá trị văn hóa ở đây như một hộp trang sức quý hiếm, nên phải thận trọng trong khai thác sử dụng, nếu như Quảng Ngãi muốn giá trị văn hóa đặc biệt này đẻ ra tiền".
Không những thế ở Sa Huỳnh còn có nhiều ruộng muối, nhưng mấy ai hiểu rõ nghề làm muối nơi đây có từ bao giờ. Với địa hình như vậy, nên có thể đồng muối này có từ rất lâu đời và có mối liên hệ với văn hóa Sa Huỳnh. Bởi lẽ, muối có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của người Sa Huỳnh cổ, không chỉ để phục vụ ăn uống mà còn là sản vật để giao thương với bên ngoài.
Các di tích văn hóa Sa Huỳnh có quy mô lớn thường phân bố liền kề với các đồng muối. “Chúng tôi đang nghiên cứu xây dựng đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản, không gian sinh tồn của văn hóa Sa Huỳnh. Cuộc sống của người Sa Huỳnh xưa sẽ được dựng lại, vừa để bảo tồn di sản văn hóa, vừa phục vụ Phát triển Lữ Hành , nhằm tiếp tục nâng tầm văn hóa Sa Huỳnh với thế giới.
Những câu chuyện về cuộc sống và giá trị di sản văn hóa gắn liền với biển mà người Sa Huỳnh cổ để lại cho đến ngày nay, sẽ được phát huy bằng sự ứng xử thông minh của con người xứ Quảng trên bước đường phát triển và hội nhập quốc tế.
Nguồn tin: baoquangngai.vn